Có những sự quyến rũ được mệnh danh là không tuổi. Tuy đã tồn tại trong thế giới thời trang hàng thế kỷ, thế nhưng, thời gian có vẻ như không làm mất đi thần thái vốn có của nghệ thuật thêu tay, mà còn làm đậm đà thêm nét tinh tế đang quay trở lại.
Những đường nét bay bổng của nghệ thuật thêu tay từ chiếc áo souvenir jacket phong cách đường phố đến những chiếc clutch dạ tiệc lung linh, họa tiết thêu tay xuất hiện và chiếm trọn ánh đèn spotlight. Nét chấm phá tinh xảo ấy giờ đây không chỉ có mặt trên những bộ cánh xa xỉ mà còn điểm xuyết trên đa dạng các phụ kiện khác nhau, làm nổi bật nét độc đáo của từng món đồ mà chúng hiện diện.
Nghệ thuật thêu tay xuất phát từ niềm cảm hứng bất tận
Các sản phẩm thêu tay lâu đời nhất đã xuất hiện từ 3.000 năm trước công nguyên, trải dài từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, đi qua các nền văn minh lớn như Hy Lạp, La Mã rồi đến các nước ở Địa Trung Hải và Trung Đông qua các con đường giao thương xuyên lục địa. Nghệ thuật thêu họa tiết đã đưa thời trang bước vào một “thế giới vô tận” của sự sáng tạo. Nếu ở Trung Quốc chuộng chỉ thêu màu xanh trên vải thô bông trắng thì người Hy Lạp sáng tạo các họa tiết thêu phức tạp.
Trong khi đó, mẫu thêu Ấn Độ thường kết hợp với các hạt cườm, đồ trang trí bằng kim loại, người Thái Lan lại thích thêu các chủ đề có màu sắc rực rỡ. Có thể nói, bên cạnh tính thời trang, họa tiết thêu cũng mang ý nghĩa văn hóa đặc trưng cho mỗi quốc gia và bản sắc riêng của từng nhà mốt.
Dễ dàng nhận thấy qua những bộ sưu tập của các nhãn hiệu lớn, thêu là họa tiết “đinh” của Valentino, Dolce&Gabbana và Oscar de la Renta. Trong khi Valentino thể hiện trình độ thêu đỉnh cao trên chất liệu xuyên thấu, mỏng manh như vải tuyn hoặc voan, thương hiệu Dolce&Gabbana thể hiện tay nghề thêu thùa xuất chúng trên chất liệu ren và lưới.
Bên cạnh đó, Emilio Pucci cũng gây ấn tượng với kỹ thuật thêu trên da lộn. Bộ cánh là sự hòa trộn hoàn hảo của nhiều yếu tố đối nghịch nhau, vừa tối giản hết mức vừa cầu kỳ tối đa. Tối giản ở những đường cắt sáng tạo, lại làm người ta vừa trầm trồ trước nét tỉ mỉ vô hạn của nghệ nhân thêu.
Nhắc đến họa tiết thêu không thế bỏ qua bộ sưu tập Pre-Fall Métiers d’Art “Paris in Rome” 2016 của Chanel, dưới sự chỉ huy của “nhạc trưởng” Karl Lagerfeld, những người thợ xưởng Lesage đã tỉ mỉ đính 10.000 hạt cườm và đá quý với kích cỡ khác nhau lên khắp thân áo bằng kỹ thuật thêu ngược từ mặt trái Luneville huyền thoại, đòi hỏi độ khó và chuẩn xác cao.
Trong các Tuần lễ Thời trang 2016, những nét thêu tỉ mỉ không chỉ xuất hiện bất ngờ ở các cô nàng street style cá tính mà còn góp mặt trên từng phụ kiện, từ túi xách đến giày dép. Bản chất độc đáo của nghệ thuật thêu cùng các tùy biến của chủ nhân giúp trang phục trở nên độc nhất. Người tiên phong mang nghệ thuật của đường chỉ rầm rộ trở lại vào năm nay là nhà mốt Gucci khi họa tiết thêu áp đảo trong các bộ sưu tập. Đầm, chân váy, áo khoác và áo sơ-mi từ mọi loại chất liệu, tất cả đều biến thành bức tranh vẽ nên “nghệ thuật đương đại”.
Trong khi đó, Marc Jacobs lại mang đến bộ sưu tập phụ kiện với những họa tiết thêu lạ mắt kết hợp cùng chiếc quần jeans thêu đầy độc đáo. Và chắc hẳn, người xem sẽ không khỏi trầm trồ trước những thiết kế giày thêu đến từ Dolce&Gabbana, khỏe khoắn nhưng không kém phần thanh lịch.
Từ vương giả đến đường phố
Thuở còn sơ khai, thêu tay gắn liền với hình ảnh của tầng lớp thượng lưu. Chỉ vua chúa, những người quyền lực trong bộ tộc hay các thương gia, nhân vật giàu có mới được khoác lên những bộ trang phục có họa tiết thêu tay cầu kỳ. Có lẽ chính vì lẽ đó mà họa tiết thêu tay là biểu trưng cho sự hào nhoáng, độc nhất và kỳ công. Đến cuối thế kỷ 19, kỹ thuật thêu tay được truyền bá rộng rãi đến nhiều tầng lớp, không còn là đặc quyền của giới quyền quý.
Không giống với những xu hướng thời trang khác, có lúc lên xuống và trải qua những giai đoạn thoái trào, nghệ thuật thêu lại từng bước phát triển và ngày càng đạt đến độ tinh xảo đỉnh cao. Sử sách thời trang không thể quên được chiếc áo khoác lửng thêu tay của Elsa Schiaparelli trong bộ sưu tập 1938 với họa tiết voi tài tình hay Yves Saint Laurent để lại dấu ấn với chiếc đầm màu xanh lục thêu hoa vàng và xanh đậm kết hợp ngọc trai và sequin trong bộ sưu tập Xuân – Hè 1962.
Chỉ xuất hiện trong bộ phận nhỏ giới thượng lưu đến khi được áp dụng trên sàn diễn thời trang và ra ngoài cuộc sống hằng ngày, họa tiết thêu ngày càng khẳng định vị trí riêng và không ngừng quyến rũ những tín đồ thời trang đích thực.
Cho đến thời điểm hiện tại, nghệ thuật thêu tay trong thiết kế thời trang đã trở nên vô cùng phong phú, đầy màu sắc và đạt đến trình độ tinh xảo tuyệt đối. Trên mọi chất liệu từ vải lụa, ren cho tới da lộn… ứng dụng ở mọi loại trang phục và phụ kiện, những hình thêu mịn, bóng và chặt chẽ đem lại hiệu ứng mới lạ cho người mặc, trở thành xu hướng được săn đón nhất trong mùa Thu – Đông 2016.