Níu giữ nét đẹp của nghệ thuật thêu tay trong thời trang

Nghệ thuật thêu tay đang dần từng bước phát triển, khẳng định được giá trị vốn có và ngày càng đạt đến độ tinh xảo đỉnh cao.

Sự lên ngôi của công nghiệp thời trang nhanh đang dần chiếm lĩnh thị trường thời trang với mô hình sản xuất hàng loạt có mức giá phải chăng, theo kịp xu hướng.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, thời trang thủ công nói chung và nghệ thuật thêu tay nói riêng đã dần quay trở lại và tạo nên nhiều cơn sốt cho làng thời trang thế giới. Nhiều thương hiệu thời trang đánh giá cao tầm quan trọng và tính thẩm mỹ của những sản phẩm thủ công. Chính vì thế, giới mộ điệu đã được dịp chứng kiến các sáng tạo nghệ thuật đầy mới mẻ trên sàn diễn.

Nghệ thuật thêu tay chưa bao giờ là “hết thời”

Đặc biệt nghệ thuật thêu tay đang dần từng bước phát triển, khẳng định được giá trị vốn có và ngày càng đạt đến độ tinh xảo đỉnh cao. Tồn tại trong nền công nghiệp thời trang từ lâu, song hành với sự phát triển của các nền văn minh lớn, thêu tay không chỉ đơn thuần là một xu hướng trong thời trang mà nó còn mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc trên thế giới.

Thời trang Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Thêu tay đã trở thành một loại hình nghệ thuật thể hiện đường kim, mũi chỉ, xuất phát từ văn hóa thêu thùa may vá của người con gái Việt. Đến nay, loại hình nghệ thuật này được thể hiện nhiều nhất trên những tà áo dài thướt tha, duyên dáng của phụ nữ Việt Nam.

Khác với những chiếc áo dài thông thường, áo dài thêu tay là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế. Chặng đường của chiếc áo dài thêu tay là huyền thoại của những câu chuyện mà ở đó sự tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, đã thổi hồn vào những bộ thiết kế mang đậm dấu ấn cá nhân.

Hòa mình trong dòng chảy của thời trang đương đại, tà áo dài ngày nay tuy đã được cách tân về chất liệu, kiểu dáng để phù hợp với thị hiếu của người mặc nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống qua nét đẹp của nghệ thuật thêu tay cầu kỳ, đầy chất lãng mạn và bay bổng, thể hiện phong thái quý phái của người phụ nữ xưa, pha lẫn tinh thần phóng khoáng của nét đẹp nữ tính hiện đại.

Để có một sản phẩm áo dài thêu tay, tất cả các công đoạn tạo ra phải thật chỉn chu và rất cầu kỳ. Người nghệ nhân phải tỉ mỉ từ việc lựa chọn chất liệu đến từng đường kim thêu để tạo sự duyên dáng, sang trọng cho người mặc. Chất liệu được dùng trong những sản phẩm thêu tay chủ yếu là lụa từ các làng lụa nổi tiếng của Việt Nam như Bảo Lộc, Nha Xá, Hà Đông…

Vẻ đẹp mộc mạc nhưng đầy tính nghệ thuật trong tà áo dài còn toát lên ở những hình thêu họa tiết thân thuộc nhưng được biến tấu tươi mới. Từ những kỹ thuật thêu cơ bản, người nghệ nhân bắt đầu khám phá những cách thêu phức tạp hơn để tạo được độ bóng và chiều sâu cho từng họa tiết. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, các nghệ nhân đã truyền cảm xúc của tâm hồn vào từng đường kim mũi chỉ để những hình thêu đậm dấu ấn văn hóa Việt như hình hoa sen, chim hạc, khung cảnh dân gian, làng quê,… hiện lên sống động, tự nhiên và đậm đà, mang theo hơi thở cuộc sống hiện đại.

Gian nan con đường duy trì nghệ thuật thêu tay

Tuy nhiên theo thời gian, trước những biến động của xã hội, nghệ thuật thêu tay ở nước ta hiện nay đang thiếu động lực để tiếp tục thăng hoa. Làng thêu thủ công nay không còn giữ được vẻ nhộn nhịp khi xưa, số lượng nghệ nhân yêu nghề, bám nghề còn rất ít bởi sản phẩm làm ra với giá thành cao, không có thị trường tiêu thụ, thu nhập bấp bênh. Thợ thêu phải giải nghệ kiếm kế mưu sinh khác, thậm chí nhiều người bỏ xứ để tìm việc làm.

Trăn trở con đường duy trì nghệ thuật truyền thống, chị Hà Trang, chủ tiệm áo dài thêu tay truyền thống Tú Thị chia sẻ: “Chúng tôi tìm về các nghệ nhân, những người thợ giỏi trong làng, thuyết phục họ giữ nghề, làm cầu nối giữa nghệ nhân với thị trường. Nhưng để hoàn thành một sản phẩm thêu tay cần mất rất nhiều thời gian, rất kỳ công mà giá thành cao nên để họ có thể trang trải cuộc sống chỉ bằng thu nhập của nghề thêu là vô cùng gian nan.

Tìm đầu ra cho sản phẩm thêu tay nhằm giúp thợ thêu có thu nhập ổn định, góp phần giữ gìn nghề thêu truyền thống là bài toán khó. Tú Thị ngoài việc là cầu nối của nghệ nhân với khách hàng yêu sản phẩm thủ công, còn mở những lớp học thêu để đào tạo các thế hệ trẻ yêu thích nghệ thuật thêu tay. Tuy nhiên để nghệ nhân thêu tay có thể bám nghề và phát triển trong giai đoạn hiện nay thì bên cạnh việc động viên, phát huy ý thức giữ gìn truyền thống của các nghệ nhân còn cần có sự quan tâm đúng mực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương.”

Điều này không chỉ gìn giữ được những giá trị văn hóa của các làng nghề thủ công mà còn mang đến những điểm nhấn đặc sắc, giá trị tinh thần quý giá không dễ dàng tìm kiếm của nghệ thuật thêu tay trong nền thời trang Việt.