Trên mảnh đất hình chữ S yêu dấu có biết bao nghề thủ công mỹ nghệ, xã hội càng phát triển thì sự mai một của những làng nghề truyền thống ngày càng mất dần đi. Ngược với số đó, nghề “trồng dâu nuôi tằm’ ngày càng phát triển bởi nhu cầu cao về các sản phẩm từ lụa ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Ngược dòng thời gian, hãy cùng Quavietnam tìm hiểu về nghề “trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa”, với biết bao công sức để làm ra những thước lụa óng ả, mịn mượt và mềm mại đến như vậy.
Tại Việt Nam, nghề chăn tằm, ươm tơ được biết đến là đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi nghiệp. Từ đó, lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng từ đồng bằng màu mỡ đến núi đồi cao nguyên Việt Nam tạo thành những làng nghề truyền thống với bề dày đến nay đã lên đến mấy trăm năm tuổi rồi. Thời nay, những người theo nghề dệt lụa thờ Thiều Hoa làm tổ nghề dệt lụa. Thời gian thấm thoát thoi đưa, lụa tơ tằm trở thành thứ vải “thượng hạng” của Việt Nam, mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.
Với sự kết hợp khéo léo giữa phương pháp sản xuất thủ công truyền thống và công nghệ tiên tiến, các sản phẩm lụa Việt hiện tại đã có vị thế ngang ngửa so với các nước có sản phẩm tơ lụa chất lượng cao khác trên thế giới. Trước đây ươm tơ bằng tay thì chất lượng tơ thấp, những người tay nghề chưa vững sẽ dệt ra tấm lụa không đều, không mịn. Ngày nay, công nghệ ươm tơ được đầu tư hiện đại hơn bằng các dãy máy ươm tơ tự động nên chất lượng tơ cao hơn, đẹp hơn, làm hài lòng các khách hàng ở thị trường khó tính với loại tơ chất lượng loại 1. Từ đây, có thể thấy lụa tơ tằm Việt Nam đã có những bước tiến không hề nhỏ. Không chỉ đơn thuần mang lại giá trị vật chất, lụa tơ tằm còn góp phần ghi danh lụa Việt trên trường quốc tế, và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc ngàn năm.
Tùy theo mục đích sử dụng lụa cộng với sự sáng tạo của các nghệ nhân trong quá trình dệt lụa mà họ thay đổi số lượng sợi để se, điều chỉnh độ dày mỏng và cách đan. Để tạo ra nhiều loại vải lụa tơ tằm phong phú với đủ độ dày, mỏng, trong, bóng, mềm, cứng khác nhau như đũi, taffeta, lãnh, satin,…. Mỗi loại lụa này mang trong mình một ý nghĩa riêng, trở thành đặc trưng cho một làng nghề. Nhưng điều quan trọng nhất là tất cả chúng đều thỏa mãn được mong muốn người dùng kể cả những con người khó tính nhất.
Có rất nhiều trang phục được may từ lụa tơ tằm như áo dài, áo lụa, váy lụa… Và mỗi loại trang phục sẽ mang đến cho người dùng những trải nghiệm vẻ đẹp khác nhau.
Đối với áo dài thì lụa tơ tằm có lẽ là sự lựa chọn hoàn hảo nhất bởi sự mềm mại, quyến rũ, nhẹ nhàng ôm sát cơ thể một cách vô cùng tinh tế của lụa. Hơn nữa, sự thoáng mát, dễ chịu của lụa khiến cho người mặc có cảm giác thoải mái và đặc biệt là sự óng ánh của lụa khiến chiếc áo dài của bạn trông nổi bật hơn dưới mọi góc nhìn.
Bên cạnh các loại trang phục thì phụ kiện thời trang từ lụa cũng rất phát triển, có thể kể đến các sản phẩm như: Khăn lụa tơ tằm, khăn lụa tơ tằm thêu tay, khăn mùi xoa lụa, khẩu trang lụa…Xã hội càng hiện đại thì ứng dụng từ lụa ngày càng đa dạng hơn,gần gũi hơn với đời sống hàng ngày, một số sản phẩm được làm từ lụa tơ tằm ứng dụng nhiều trong đời sống hàng ngày như: Khăn mặt tơ tằm, khăn tắm tơ tằm, khẩu trang lụa tơ tằm, túi lụa…
Ngày nay các làng nghề trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn Việt Nam. Đến với các làng nghề dệt lụa lâu năm, chúng ta không chỉ lựa chọn và mua sắm được tấm lụa tuyệt mỹ, mà còn được tìm hiểu, nghe kể những câu chuyện truyền thuyết xa xưa gắn liền với ngôi làng truyền thống này qua hệ thống đình chùa, miếu mạo, nơi thờ tổ nghề.
Các nghệ nhân không chỉ kiên trì bảo tồn và truyền đạt lại kỹ nghệ dệt thủ công truyền thống, mà còn không ngừng nỗ lực phát huy thế mạnh của làng nghề trong việc lưu giữ cội nguồn lịch sử lâu đời của dân tộc Việt. Thông qua các mẫu hoa văn độc đáo đậm chất Việt được in trên lụa như song hạc, tứ linh, hoa sen, cây tre,… và các vật đặc trưng cho văn hóa Việt đã góp phần đưa văn hóa nước ta đến gần hơn với bạn bè thế giới.