Quy trình sản xuất tơ lụa

Từ xa xưa, tơ lụa được xem là chất liệu quý, đại diện cho sự sang trọng, quyền lực và thường được dùng may y phục cho hoàng tộc. Bởi để sản xuất ra một thứ lụa mềm mại, óng ả, đằng sau đó là cả một quá trình kết tinh những tinh hoa giá trị lao động vất vả, cần mẫn của của những người làm nghề trồng dâu – nuôi tằm – ươm tơ – dệt lụa. Hãy cùng tham khảo quy trình sản xuất tơ lụa để hiểu rõ hơn nhé!

Nuôi tằm

Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình sản xuất tơ lụa, đòi hỏi người nuôi tằm phải có kỹ thuật tốt.

Vòng đời trung bình của một con tằm từ khi nở đến lúc nhả tơ là từ 23 – 25 ngày, và trải qua 4 lần lột xác.

Thức ăn chính của tằm là lá dâu. Thông thường tằm nhỏ cho ăn lá non, thái nhỏ. Tằm lớn ăn lá bánh tẻ, lá cứng.

Tằm ăn suốt ngày đêm, tuy nhiên vào thời điểm trước khi lột xác khoảng 2 ngày của mỗi giai đoạn tằm không ăn (gọi là tằm ngủ). Tằm 5 là giai đoạn tằm ăn nhiều thức ăn nhất tiêu thụ bằng khoảng 80% lượng thức ăn của các tuổi khác.

Sau khoảng 3 tuần tằm phát triển đến kích thước tối đa (tằm chín) mình trơn, da căng bóng, mỏng, có màu hơi vàng trong suốt. Lúc này tằm bò đến nơi thích hợp để nhả tơ và tạo kén.

Nhả Tơ, Tạo Kén

Tằm chín được bắt lên né để tằm nhả tơ. Tằm nhả tơ từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén gọi là áo kén, trong vòng 4 ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 khoảng 300 ngàn lần liên tục, nhả thành sợi tơ dài gần 1km, quấn quanh mình tạo thành kén.

Sau khi nhả hết tơ, tằm kiệt sức nằm yên trong kén và biến thành nhộng, lúc này có thể bắt đầu gỡ kén để đem đi ươm tơ.

Ươm Tơ

Tơ phải được ươm hết trong vòng 5 ngày nếu không nhộng tằm sẽ biến thành ngài và cắn lớp vỏ kén chui ra khiến sợi tơ sẽ bị đứt,  nếu tơ ươm chắp nối sẽ không còn độ mịn.

Để ươm tơ thì đầu tiên cần thả kén vào nước sôi và đảo đều để kén mềm và bong áo kén ra ngoài. Sau đó tìm mối gốc của tơ để rút ra và chập 10 sợi tơ lại thành 1 và quấn vào con quấn tơ chuyên dụng. Sợi tơ sau khi được kéo gọi là tơ thô.

Dệt Lụa

Tùy theo chất lượng tơ và cách xoắn sợi tơ sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau, tùy vào số lượng sợi xe mà vải lụa sẽ điều chỉnh độ dày mỏng, tạo nên nhiều loại vải lụa tơ tằm phong phú với đủ độ mỏng, rủ, trong, bóng hay mềm, cứng, óng ánh.

Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra những loại lụa tơ tằm khác nhau như: lụa Satin tơ tằm, lụa Taffeta tơ tằm, lụa Đũi…

Nhuộm Màu

Trước khi nhuộm màu lụa, người thợ sẽ thực hiện công đoạn truội tơ bằng cách ngâm nó trong nước nóng để sạch lớp keo dính trên tơ. Sau đó sẽ được đi nhuộm từ những nguyên liệu thiên nhiên như vỏ cây, lá cây, các loại củ… theo cách truyền thống.

Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật nhuộm hiện đại được áp dụng vào sản xuất đem lại những tấm lụa với màu sắc đa dạng, hoa văn đẹp, bắt mắt…